star twitter facebook envelope linkedin youtube alert-red alert home left-quote chevron hamburger minus plus search triangle x

Phát sinh chủng loài (sử dụng dữ liệu đa gen: gen nhân & gen ti thể) của các loài thuộc giống Rắn Khiếm Oligodon Fitzinger, 1826 (Reptilia: Squamata: Colubridae): Làm sắc bén lưỡi dao của nhóm loài đa dạng thứ 2 trên thế giới


Dựa trên việc lấy mẫu di truyền rộng rãi về các loài thuộc giống Rắn khiếm Oligodon, các nhà khoa học đến từ nhiều quốc gia (Mỹ, Nga, Đức, Ấn Độ, Thái Lan, Việt Nam, Campuchia, Anh, Malaysia, Slovakia) vừa công bố một giả thuyết phát sinh chủng loài toàn diện nhất cho giống Rắn khiếm Oligodon, nhóm rắn có mức độ đa dang lớn thứ 2 trên thế giới!

Với 90 loài được công nhận, các loài thuộc giống Rắn khiếm Oligodon tạo nên nhóm loài rắn lớn thứ 2 trên thế giới. Các loài Rắn khiếm Oligodon phân bố trên khắp lục địa Châu Á và sở hữu một số đặc điểm sinh thái và hình thái độc đáo so với các loài rắn khác. Mặc dù có mức độ phong phú về loài cao, nhưng mối quan hệ di truyền và tiến hóa trong giống Rắn khiếm Oligodon vẫn chưa được hiểu rõ do số lượng mẫu vật và dữ liệu phân tử có sẵn trong các nghiên cứu trước đó còn hạn chế.

Hình 1. Cây phát sinh chủng loại của các loài thuộc giống Rắn khiếm Oligodon  xây dựng bằng phương pháp Maximum likelihood dựa trên 3 gen ti thể và 3 gen nhân_phần I (© Lee et al. 2024)

Trong nghiên cứu này, chúng tôi đã tập hợp bộ dữ liệu phân tử lớn nhất của giống Rắn khiếm Oligodon cho đến nay, bộ dữ liệu này được chúng tôi sử dụng để đánh giá: hệ thống học và địa động vật của toàn bộ giống. Cây phát sinh chủng loại dựa trên sử dụng ba gen ty thể (12s, 16s, CytB) và ba gen hạt nhân (Rag1, C-mos, BDNF), chúng tôi xác định được 8 nhóm loài phân kỳ sâu trong giống Rắn khiếm Oligodon, trong đó chỉ có hai nhóm tương ứng với các nhóm loài được công nhận bởi các phân loại hình thái trước đó. Bốn phương pháp phân định loài được sử dụng trên dữ liệu gen ty thể đã dẫn đến các ước tính khác biệt đáng kể về các đơn vị phân loại được ghi nhận. Khi kết hợp, cả 4 phương pháp đều hỗ trợ sự tồn tại của các dòng dõi cấp loài chưa được công nhận, nhưng cũng chỉ ra rằng một số loài Rắn khiếm Oligodon có sự phân biệt kém về mặt di truyền và cần bổ sung nghiên cứu phân loại tích hợp để phân loại đúng cách.

Hình 2. Cây phát sinh chủng loại của các loài thuộc giống Rắn khiếm Oligodon  xây dựng bằng phương pháp Maximum likelihood dựa trên 3 gen ti thể và 3 gen nhân_phần II (© Lee et al. 2024)

Dựa trên phương pháp xác định niên đại phân kỳ, chúng tôi chứng minh rằng giống Rắn khiếm Oligodon bắt đầu đa dạng hóa trong thời kỳ đầu của kỷ Tân Cận (Neogen); đưa ra giả thuyết rằng tổ tiên chung gần đây nhất của giống này có nguồn gốc từ lục địa Đông Nam Á và nhanh chóng lan tỏa ra các phần khác của lục địa trong quá trình chuyển đổi từ thế Tiệm Tân (Oligocene) sang thế Trung Tân (Miocen). Chúng tôi kết luận bằng cách ghi nhận 8 nhóm loài được xác định về mặt phát sinh loài và xác định các khoảng trống lấy mẫu cần được điều tra thêm khi có dữ liệu mới.

Hình 3. Cây phát sinh chủng loại của các loài thuộc giống Rắn khiếm Oligodon  xây dựng bằng phương pháp Maximum likelihood dựa trên 3 gen ti thể và 3 gen nhân_phần III (© Lee et al. 2024)

Theo ThS. Nguyễn Văn Tân (Đại học Duy Tân, đồng tác giả trong dự án này): nghiên cứu này góp phần nâng cao hiểu biết về quá trình tiến hóa của các loài rắn trên lục địa Châu Á và đóng vai trò là cơ sở cho các nghiên cứu trong tương lai về giống Rắn khiếm Oligodon loài này.

Hình 4. Phát sinh chủng loại các loài  Rắn khiếm Oligodon được hiệu chuẩn theo thời gian được xây dựng trong BEAST2 (© Lee et al. 2024)

Nguồn tham khảo: Lee JL, Yushchenko PV, Suwannapoom C, Pawangkhanant P, Grismer LL, Nguyen TV (Nguyễn Văn Tân), Deepak V, Narayanan S, Das S, Neang T, Lalremsang HT, Yang JH , Jablonski D, Erkaya M, Vogel G, Bauer AM & Poyarkov NA (2024) A multi-gene phylogeny of the Asian kukri snakes (Oligodon Fitzinger, 1826): sharpening the blade of the second largest serpent radiation (Reptilia: Squamata: Colubridae). Molecular Phylogenetics and Evolution, 201: 108215. https://doi.org/10.1016/j.ympev.2024.108215

                                                                                                                                                                                                                                     Tác giả: ThS. Nguyễn Văn Tân
Người duyệt bài: TS Phan Quốc Toản
Người đăng bài: ThS. Nguyễn Văn Tân