Trong cuộc sống hằng ngày, đôi khi chúng ta thấy tình trạng chảy máu khi đánh răng, máu lẫn vào nước bọt. Tình trạng này có thể ngẫu nhiên hay kéo dài, ít hay nhiều, khu trú hay toàn bộ các răng trên cung hàm. Nó có thể là dấu hiệu cảnh báo một số vấn đề về sức khỏe răng miệng hay toàn thân. Dưới đây là một số nguyên nhân phổ biến gây ra hiện tượng này:
1. Viêm nướu: Đây là nguyên nhân phổ biến nhất gây chảy máu khi đánh răng. Viêm nướu xảy ra khi vi khuẩn trong miệng tích tụ trên răng và nướu, tạo thành mảng bám. Mảng bám tích tụ khoảng 72h sẽ gây viêm nướu, do đó nếu không được làm sạch thường xuyên, nó có thể gây chảy máu khi bị tác động như khi đánh răng hay dùng chỉ nha khoa, bàn chải kẽ.
2. Bệnh nha chu: Nếu viêm nướu không được điều trị, nó có thể phát triển thành bệnh nha chu, một tình trạng nghiêm trọng hơn gây mất bám dính và tiêu xương ổ răng. Bệnh nha chu có thể gây chảy máu nướu, tụt nướu, răng lung lay, hôi miệng, thay đổi khớp cắn.
3. Sử dụng bàn chải đánh răng không đúng cách: Việc sử dụng bàn chải đánh răng có lông cứng, sờn hoặc chải quá mạnh có thể làm tổn thương mô nướu, gây chảy máu. Chải răng không đúng kỹ thuật như chải theo hướng ngang hoặc quá mạnh, có thể gây tổn thương nướu, tụt nướu, làm cho nướu bị chảy máu.
4. Sử dụng chỉ nha khoa hoặc bàn chải kẽ sai kỹ thuật: Dùng chỉ nha khoa hoặc bàn chải kẽ quá mạnh hoặc không đúng cách, có thể làm cho nướu bị tổn thương và gây chảy máu.
5. Thiếu vitamin C: Vitamin C rất cần thiết cho việc phát triển và sửa chữa các mô, chữa lành vết thương, củng cố xương và răng. Thiếu vitamin C gây chảy máu nướu, thoái hoá collagen, sung huyết mô liên kết nướu.
6. Thiếu vitamin K: Vitamin K đóng vai trò quan trọng trong quá trình đông máu. Thiếu vitamin K có thể dẫn đến tình trạng chảy máu khi đánh răng.
7. Thay đổi nội tiết tố: Phụ nữ trong giai đoạn dậy thì, mang thai hoặc mãn kinh có thể gặp phải tình trạng chảy máu nướu do sự thay đổi hormone, làm tăng độ nhạy cảm, tăng lưu lượng máu đến nướu.
8. Bệnh tiểu đường: Bệnh tiểu đường làm giảm khả năng cơ thể chống lại viêm nhiễm, ảnh hưởng đến khả năng hồi phục sức khỏe của mô. Lượng đường trong máu cao do bệnh tiểu đường khiến hàm lượng đường trong nước bọt và dịch nướu tăng, tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn và mảng bám phát triển gây bệnh nướu, bệnh nha chu, làm chảy máu nướu.
9. Sử dụng thuốc khi điều trị bệnh: Một số loại thuốc được sử dụng khi điều trị bệnh về tim mạch, ung thư, thuốc hóa trị có thể làm nướu nhạy cảm và dễ chảy máu khi đánh răng.
10. Bệnh lý về miệng khác: Một số bệnh lý như ung thư vùng miệng, ung thư máu, rối loạn đông máu, giảm tiểu cầu, sốt xuất huyết, rối loạn chức năng gan, nấm miệng,… có thể làm dễ chảy máu khi đánh răng.
Nếu tình trạng chảy máu khi đánh răng diễn ra kéo dài hoặc trở nên nghiêm trọng, tốt nhất bạn nên đến bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Việc duy trì vệ sinh răng miệng đúng cách hằng ngày và thăm khám bác sĩ định kỳ sẽ giúp phòng ngừa nguy cơ chảy máu khi đánh răng.
Tác giả: ThS. BSNT Phạm Thị Thanh Nhàn
Người duyệt: TS. BS Lê Anh Tuân, ThS. BSNT Nguyễn Hà Quốc Trung
Đăng bài: ThS. BS Trần Anh Tuấn