star twitter facebook envelope linkedin youtube alert-red alert home left-quote chevron hamburger minus plus search triangle x

Chăm sóc sức khỏe răng miệng cho người cao tuổi – Một phần quan trọng trong chăm sóc toàn diện


Trong quá trình lão hóa, sức khỏe răng miệng có xu hướng suy giảm đáng kể, ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng ăn nhai, giao tiếp và chất lượng cuộc sống. Tuy nhiên, vấn đề này thường bị xem nhẹ hoặc chưa được quan tâm đúng mức, đặc biệt ở nhóm người cao tuổi.

Việc chăm sóc răng miệng đúng cách không chỉ giúp duy trì chức năng sinh lý cơ bản, mà còn góp phần ngăn ngừa các bệnh lý toàn thân như tiểu đường, bệnh tim mạch, rối loạn tiêu hóa và hô hấp - những vấn đề sức khỏe phổ biến ở người lớn tuổi.

Một số vấn đề răng miệng thường gặp ở người cao tuổi

  • Bệnh lý nha chu: Viêm nướu, tụt lợi, răng lung lay, mất răng.
  • Sâu răng: Đặc biệt tại vùng cổ răng hoặc chân răng, dễ dẫn đến viêm tủy.
  • Mòn men răng và ê buốt: Do tuổi tác, thói quen ăn uống hoặc chải răng không đúng cách.
  • Khô miệng: Hậu quả của việc sử dụng nhiều loại thuốc điều trị bệnh mãn tính.
  • Rối loạn khớp thái dương hàm: Gây đau, khó mở miệng, ảnh hưởng đến khả năng ăn nhai.
  • Mất răng và biến đổi khớp cắn: Tác động tiêu cực đến chức năng tiêu hóa và phát âm.

 

Hướng dẫn chăm sóc răng miệng hiệu quả cho người cao tuổi

Để bảo vệ sức khỏe răng miệng và nâng cao chất lượng cuộc sống, người cao tuổi cần được hướng dẫn thực hiện các biện pháp chăm sóc phù hợp:

  1. Duy trì thói quen vệ sinh răng miệng đúng cách: Đánh răng ít nhất hai lần mỗi ngày với bàn chải mềm và kem đánh răng có chứa fluor.
  2. Sử dụng chỉ nha khoa hoặc tăm nước để làm sạch kẽ răng sau mỗi bữa ăn.
  3. Khám răng định kỳ mỗi 3–6 tháng, kể cả khi đã sử dụng răng giả.
  4. Ăn uống điều độ: Hạn chế đường và axit; tăng cường rau xanh, trái cây tươi và nước uống.
  5. Vệ sinh răng giả đúng cách và tháo răng giả khi ngủ để tránh viêm nhiễm niêm mạc miệng.

 Kết luận

Sức khỏe răng miệng là một phần thiết yếu trong chăm sóc y tế toàn diện, đặc biệt ở người cao tuổi. Việc chủ động phòng ngừa và phát hiện sớm các vấn đề răng miệng không chỉ giúp cải thiện chất lượng cuộc sống mà còn hỗ trợ hiệu quả trong điều trị các bệnh lý mạn tính đi kèm.

Cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa người cao tuổi, gia đình và các cơ sở y tế trong việc duy trì và nâng cao sức khỏe răng miệng, góp phần xây dựng một cộng đồng khỏe mạnh, năng động và hạnh phúc hơn.

Tác giả: BS. Lê Khắc Tấn Tài

Người duyệt: TS. BS Lê Anh Tuân, ThS. BS Nguyễn Thị Tân

Đăng bài: ThS. BS Trần Anh Tuấn