Bệnh quai bị (dân gian còn biết đến với tên gọi “má chàm bàm” hay “má ông địa”) là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus quai bị (thuộc họ Paramyxovirus) gây ra. Bệnh thường gặp ở trẻ em từ 2 đến 12 tuổi, nhưng đôi khi cũng có thể gặp ở người lớn.
Bệnh lây nhiễm thông qua đường hô hấp khi tiếp xúc trực tiếp với nước bọt hoặc dịch tiết mũi họng của người bệnh, đặc biệt khi ho, hắt hơi hoặc dùng chung đồ dùng cá nhân. Vì thế, môi trường xung quanh có yếu tố nguy cơ hay không là điều cần quan tâm đầu tiên khi xem xét một bệnh nhân có triệu chứng gần giống quai bị.
1. Triệu chứng thường gặp của trẻ mắc quai bị:
Sau thời gian ủ bệnh khoảng 16 – 18 ngày, bệnh nhân bắt đầu xuất hiện các triệu chứng sau:
- Sốt nhẹ đến cao, mệt mỏi, chán ăn.
- Đau và sưng tuyến mang tai, thường sẽ bắt đầu ở một bên sau đó lan sang cả hai bên. Da vùng sưng có thể căng bóng nhưng không đỏ.
- Đau khi nhai hoặc nuốt, đặc biệt với các loại thức ăn tăng kích thích tuyến nước bọt ví dụ như đồ ăn chua…
- Một số trẻ có thể kèm theo các biểu hiện khác như:
+ Đau đầu, buồn nôn.
+ Sưng các tuyến nước bọt khác.
+ Viêm tinh hoàn (ở bé trai).
+ Viêm buồng trứng ở bé gái (hiếm gặp hơn).
+ Viêm màng não vô khuẩn (trong một số trường hợp nặng).
2. Chế độ chăm sóc và điều trị:
- Hiện nay chưa có thuốc đặc hiệu để điều trị quai bị. Điều trị chủ yếu đối với bệnh nhân là điều trị triệu chứng và chăm sóc nâng cao thể trạng cho trẻ:
+ Hạ sốt cho trẻ khi tình trạng sốt > 38,50C.
+ Chườm ấm tại vùng sưng đau.
+ Nghỉ ngơi, hạn chế vận động mạnh (đặc biệt đối với trẻ trai để giảm nguy cơ viêm tinh hoàn).
+ Theo dõi tình trạng toàn thân của trẻ, trong trường hợp trẻ có những biến chứng bất thường như sốt cao không giảm, đau đầu, nôn ói, co giật,… Đưa trẻ đến cơ sở y tế ngay khi có các biến chứng.
- Chế độ chăm sóc cho trẻ:
+ Trẻ cần được nghỉ ngơi.
+ Ăn thức ăn mềm, lỏng, dễ nuốt và bổ sung dinh dưỡng.
+ Giữ gìn vệ sinh răng miệng, tránh nhiễm trùng thứ phát.
+ Bổ sung thêm các loại vitamin, khoáng chất, nâng cao thể trạng cho trẻ.
+ Cách ly: Trẻ mắc bệnh cần được cách ly ít nhất 9 ngày từ khi bắt đầu sưng tuyến mang tai, để tránh lây nhiễm cho người khác.
3. Phòng ngừa bệnh quai bị:
- Tiêm vaccine là biện pháp phòng ngừa hiệu quả nhất hiện nay. Vaccine 3 trong 1 MMR (Sởi – quai bị - Rubella) là loại được đề xuất cho trẻ:
+ Mũi 1: lúc 12 – 15 tháng tuổi.
+ Mũi 2: lúc 4 – 6 tuổi.
- Giáo dục trẻ về vệ sinh cá nhân:
+ Che tay khi ho, hắt hơi.
+ Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng.
+ Không dùng chung đồ dùng cá nhân như cốc uống nước, khăn mặt, muỗng…
- Lưu ý về môi trường xung quanh trẻ và cho trẻ tránh tiếp xúc khi xung quanh có nguồn bệnh.
Tác giả: BS. Lê Trung Thông
Người duyệt: TS. BS Lê Anh Tuân, ThS. BSNT Nguyễn Hà Quốc Trung, ThS. BS Nguyễn Thị Tân
Đăng bài: ThS. BS Trần Anh Tuấn