star twitter facebook envelope linkedin youtube alert-red alert home left-quote chevron hamburger minus plus search triangle x

Tổng quan về ngành Công Nghệ Sinh Học


Công nghệ Sinh học (CNSH) được coi là ngành công nghệ mũi nhọn của thế kỷ 21. Các thành tựu của CNSH được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực đã đem lại nguồn doanh thu lớn cho nhiều quốc gia góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, nâng cao đời sống xã hội. Ngày nay, CNSH đã trở thành một ngành sản xuất quan trọng có liên quan và hỗ trợ trực tiếp để thúc đẩy phát triển các ngành nông nghiệp, công nghiệp thực phẩm, y tế, bảo vệ tài nguyên và môi trường,... CNSH cùng với Công nghệ thông tin, Công nghệ tự động hóa và Khoa học vật liệu được coi là các nhóm ngành công nghệ cao đang được đầu tư phát triển thành các ngành công nghệ mũi nhọn.

Ở nước ta, trong thời gian vừa qua, các lĩnh vực nghiên cứu và đào tạo liên quan đến công nghệ cao được Đảng và Nhà nước rất quan tâm đầu tư cả về chính sách lẫn tài chính. Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách liên quan đến chiến lược phát triển CNSH. Nhìn chung, CNSH đã có những bước phát triển sâu và rộng trong khoảng 20 năm trở lại đây. Lĩnh vực này không chỉ phát triển ở quy mô và chất lượng đào tạo từ cử nhân đến tiến sỹ và sau tiến sỹ mà còn được phát triển sâu ở các lĩnh vực nghiên cứu. Các lĩnh vực nghiên cứu về CNSH không chỉ được chú trọng ở các trường Đại học, các viện nghiên cứu, các bệnh viện mà còn được đầu tư nghiên cứu bài bản ở các công ty về Công nghệ sinh học, Sinh học phân tử. Những đóng góp to lớn của CNSH trong những năm gần đây cho y tế, nông nghiệp, công nghiệp đã giúp cải thiện sức khỏe và tăng cường chất lượng cuộc sống của con người.

Để chuẩn bị các điều kiện cần thiết tạo tiền đề cho việc thành lập Khoa CNSH theo các hướng nghiên cứu các chuyên ngành SHPT tiến tiến, tháng 12/2012, Hiệu trưởng Trường Đại học Duy Tân đã quyết định thành lập Trung tâm Sinh học phân tử (Center for Molecular Biology, CMB). Trung tâm SHPT đã được trang bị một hệ thống các phòng thí nghiệm hiện đại với các trang thiết bị tiên tiến, đồng bộ. Các thành viên làm việc tại Trung tâm SHPT đều được đào tạo bài bản ở các nước có nền khoa học công nghệ tiên tiến như Đức, Bỉ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ,… có nhiều kinh nghiệm liên quan trực tiếp đến hướng đào tạo CNSH như Sinh học phân tử, Tin Sinh học, mô phỏng, thiết kế, biểu hiện, và tinh sạch protein tái tổ hợp, các phương pháp phổ/enzym,... phân tích hoạt tính enzym, nghiên cứu cấu trúc protein,...

Cùng với việc triển khai 05 đề tài Nafosted, 01 đề tài Cấp Nhà nước Nghị định thư Việt Nam - Italia, Trung tâm SHPT đã mở rộng liên kết, hợp tác trong nước và quốc tế để triển khai nhiều nghiên cứu và đào tạo trong lĩnh vực Sinh học phân tử như với Viện Robert Koch, Berlin (CHLB Đức), Viện Max Planck (MPI, CHLB Đức), Đại học Potsdam, Đại học Greiswald, Đại học Tuebingen (CHLB Đức), Đại học Aston (Vương quốc Anh), Đại học David, Đại học Missouri (Hoa Ky), Đại học Sunmoon (Hàn Quốc), Đại học VUB (Vương quốc Bỉ), Viện RIKEN (Nhật Bản), Trường Đại học Korea (Hàn Quốc), Đại học Padova (Italia),... Kể từ khi thành lập, hàng chục công trình nghiên cứu khoa học có chất lượng cao đã được đăng tải trên các tạp chí khoa học uy tín trong và ngoài nước, trong đó có hơn 60 bài báo khoa học được công bố trên các tạp chí ISI có chỉ số ảnh hưởng (IF) cao, điển hình là các bài báo đăng trên tạp chí Nature, Stem Cell Reports, Plos One,... Bên cạnh đó, các cán bộ của Trung tâm SHPT đã biên soạn giáo trình, biên dịch sách, tài liệu bài giảng và tham gia giảng dạy hàng nghìn giờ cho sinh viên các ngành Y Đa khoa, Dược, Điều dưỡng, Môi trường,...

Trên cơ sở đó, ngày 15 tháng 10 năm 2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ra Quyết định số 4333/QĐ-BGDĐT cho phép Trường Đại học Duy Tân mở ngành đạo tạo Hệ đại học, ngành Công nghệ sinh học. Định hướng trong thời gian đến sẽ tiếp tục đề xuất đào tạo các ngành CNSH Y - Dược (Biotechnology in Medicine and Pharmacology); Y sinh phân tử (Molecular Biomedicine)/Khoa học Y sinh (Biomedical Sciences); Vật liệu Y sinh (Biomedical Materiales), Sinh học phân tử Ứng dụng (Applied Molecular Biology)… Đây là một cách tiếp cận phù hợp với xu hướng của thời đại, phát huy được thế mạnh liên ngành của trường Đại học Duy Tân và các cơ sở hợp tác trong và ngoài nước.