star twitter facebook envelope linkedin youtube alert-red alert home left-quote chevron hamburger minus plus search triangle x

Rắn khuyết Trường sơn_Lycodon poyarki Nguyen & Vogel 2025 (Poyarkov’s Big-tooth Snake), một loài rắn mới được phát hiện và mô tả tại miền Trung Việt Nam


Loài Rắn khuyết Trường sơn thuộc nhóm loài Lycodon paucifasciatus complex (phức tạp) trước đây thường bị nhầm lẫn với loài Lycodon paucifasciatus (Rắn khuyết ít khoanh) phân bố tại miền Trung và miền Nam Việt Nam, miền nam Campuchia và miền nam Thái Lan hoặc loài Lycodon rosozonatus (Rắn khuyết hoa hồng) đặc hữu của đảo Hải Nam, Trung Quốc_theo ThS. Nguyễn Văn Tân.

Hình 1. Rắn khuyết Trường sơn_loài đặc hữu của dãy núi Trường Sơn huyền thoại

Loài Rắn khuyết Trường sơn có thể phân biệt với các loài rắn khác dựa trên các đặc điểm hình thái như sau: kích thước trung bình-lớn, tổng chiều dài lên tới 817 mm; vảy má thường không tiếp xúc với mắt; hàng vảy lưng: 19–17 (hiếm khi 19)–15; 5–7 hàng vảy lưng số gờ ở giữa thân; 221–228 vảy bụng; 83–92 vảy dưới đuôi, ghép thành cặp; 8 vảy trên môi với vảy môi trên 3–5 chạm vào mắt; 1 vảy trước mắt, 2 vảy sau mắt; 2+3 vảy thái dương; tấm hậu môn không chia; các khoanh trên thân hẹp, có màu cam hồng, 24–33 khoanh hẹp lưng, 11–14 khoanh hẹp trên đuôi, khoanh hẹp đầu tiên bắt đầu từ vảy bụng 10–15; đầu đen, các mảng có viền rõ rệt màu cam hồng; bụng màu cam đỏ hoặc màu kem; răng hàm trên: 6+3–4+2.

Loài rắn này được đặt tên để vinh danh PGS.TS. Nikolay A. Poyarkov, để ghi nhận những đóng góp của TS. Nick cho ngành nghiên cứu về các loài bò sát-lưỡng cư, đặc biệt là ở khu vực Indo-Burma (Đông Dương-Miến Điện) bao gồm cả Việt Nam. TS. Nick sinh năm 1984 tại Mát-xcơ-va, theo học và tốt nghiệp Đại học Tổng hợp Quốc gia Moskva nơi TS. Nick hiện đang làm Phó Giáo sư. Năm 2010, TS. Nick bảo vệ luận án tiến sĩ về phân loại học và tiến hóa của loài sa nhông (cá cóc) châu Á thuộc họ Hynobiidae. TS. Nick đã làm việc tại Việt Nam từ năm 2007, và cũng làm việc tại Thái Lan, Lào, Campuchia, Malaysia, Myanmar, Trung Quốc và Đài Loan, và các khu vực khác của Đông Nam Á. Tổng cộng, TS. Nick đồng tác giả 295 ấn phẩm khoa học về bò sát và lưỡng cư, 194 trong số đó là các bài báo trên các tạp chí quốc tế được bình duyệt. Đặc biệt, TS. Nick đã mô tả 152 loài mới trong đó có 67 lưỡng cư và 85 bò sát (trong đó có 20 loài rắn); 9 giống và phân giống mới; đáng chú ý có tới 56 loài mới đã được mô tả từ Việt Nam. Hơn thế nữa, TS. Nick là người đầu tiên lưu ý cho các tác giả về sự khác biệt hình thái giữa loài Rắn khuyết Trường sơn so với các loài rắn khuyết khác thuộc nhóm loài Lycodon paucifasciatus phức tạp.

Đây là loài có vùng phân bố hẹp và khá hiếm gặp hiện chỉ ghi nhận ở khu vực núi đá vôi hoặc rừng thư sinh của dãy Bắc Trường Sơn thuộc Vườn Quốc gia Phong Nha–Kẻ Bàng (tỉnh Quảng Bình), Khu dự trữ thiên nhiên Động Châu–Khe Nước Trong và Khu bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hóa (tỉnh Quảng Trị) ở độ cao 300–800 m. Loài này hoàn toàn vô hại tuy nhiên do có đặc điểm hình thái bên ngoài rất giống với các loài rắn cạp nong, cạp nia (Bungarus spp.) nên thường là nạn nhân của việc giết hại nhầm lẫn.

Hình 2. Sơ đồ phân bố của các loài Rắn khuyết trong đó có loài Rắn khuyết Trường sơn

Các nghiên cứu tiếp theo về nhóm loài Rắn khuyết (Lycodon) tại Việt Nam và các quốc gia lân cận vẫn đang được tiếp tục. Nghiên cứu này nâng tổng số loài Rắn khuyết Lycodon ghi nhận tại Việt Nam lên 16 loài. Các nỗ lực nghiên cứu và bảo tồn các loài Rắn khuyết Lycodon là hết sức cần thiết để bảo vệ chúng trước nhiều mối đe dọa như mất và suy giảm sinh cảnh sống, săn bắt phục vụ nuôi nhốt trái phép, biến đổi khí hậu!

Tác giả: ThS. Nguyễn Văn Tân

Người duyệt bài: TS Phan Quốc Toản

Người đăng bài: ThS. Nguyễn Văn Tân

Nguồn tham khảo: https://www.researchgate.net/publication/388179258_A_new_species_of_Lycodon_Fitzinger_1826_from_the_Northern_part_of_the_Truong_Son_Mountains_Central_Vietnam_Reptilia_Squamata_Colubridae