star twitter facebook envelope linkedin youtube alert-red alert home left-quote chevron hamburger minus plus search triangle x

TỔN THƯƠNG TỦY SỐNG


Tổn thương tuỷ sống là tình trạng một phần tuỷ sống bị tổn thương, gây ảnh hưởng đến phần cơ thể tương ứng (phần do tuỷ sống kiểm soát).

Về mức độ tổn thương tủy sống, nếu tổn thương vùng cổ (từ C1-C7) gây liệt tứ chi: 2 tay, 2 chân không cử động được, cảm giác cũng bị mất. Nếu tổn thương vùng lưng trở xuống (từ D1 trở xuống) sẽ bị liệt vận động và mất cảm giác 2 chân và 1 phần cơ thể dưới vị trí tổn thương gọi là liệt hai chi dưới.

Có nhiều nguyên nhân gây tổn thương tủy sống, có thể do tai nạn giao thông, tai nạn sinh hoạt, chơi thể thao… hoặc các bệnh lý của tủy sống như viêm tuỷ, xơ tuỷ, u cột sống, lao cột sống, bệnh do mạch máu hay huyết khối mạch tủy và đặc biết có thể do nguyên nhân từ thầy thuốc do quá trình sơ cấp cứu ban đầu thiếu kinh nghiệm. Các dấu hiệu nghi ngờ có tổn thương tuỷ sống gồm: Người đó bị bất tỉnh hoặc người đó không thể cử động, không còn cảm giác hoặc có tê bì ở chân tay.

Về cách xử trí:
- Đừng dịch chuyển người bị nạn cho đến khi có cán bộ y tế đưa cáng khiêng đến, đặc biệt tránh gập cổ và lưng. Cố định bệnh nhân cho chắc chắn và cố định đầu bệnh nhân lại.
- Nếu gặp khó khăn (bão, lũ,..) mà cán bộ y tế không đến được thì cần cáng khiêng, cáng sử dụng phải là cáng cứng (có thể sử dụng tấm ván cứng, cửa, mặt bàn,…). Cần nhiều người khác cùng khiêng người bệnh nhân như một khối rồi đặt lên cáng, sau đó cố định bệnh nhân cho chắc, xong thì cho di chuyển bệnh nhân. Đưa người bị nạn đến cơ sở Y tế nơi gần nhất.

Các giai đoạn phục hồi chức năng cho bệnh nhân tổn thương tủy sống.

Phục hồi chức năng cho bệnh nhân TTTS chia làm hai giai đoạn:
Giai đoạn đầu: Từ lúc bị bệnh, bị tai nạn cho đến khi ổn định được vùng cột sống gây tổn thương tủy sống làm liệt hai chi dưới. Giai đoạn này chủ yếu là chăm sóc thường kéo dài 6 tuần.
Giai đoạn tiếp theo: Bệnh nhân phải tự học được cách tự chăm sóc độc lập sinh hoạt tại giường, tại nệm, tại xe lăn, học để tự di chuyển và thích nghi với môi trường tìm công ăn việc làm, hội nhập với gia đình và xã hội.

Chăm sóc, kỹ thuật phục hồi cho bệnh nhân liệt do tổn thương tủy sống ở giai đoạn đầu:

Tốt nhất là chăm sóc tại bệnh viện hoặc trung tâm y tế, bao gồm:
+ Tìm nguyên nhân và giải quyết nguyên nhân.
+ Đề phòng loét do đè ép.
+ Đề phòng nhiễm trùng phổi.
+ Đề phòng nhiễm trùng tiết niệu và phục hồi chức năng bàng quang.
+ Chăm sóc đường tiêu hóa.
+ Phòng ngừa, cứng khớp, co rút cơ.
+ Vận động và tập các bài tập để tăng cường tuần hoàn.

Giai đoạn tiếp theo có thể phục hồi chức năng hồi phục tại viện hoặc ở nhà. Bệnh nhân và người nhà cần được hướng dẫn các chương trình để tự chăm sóc và phục hồi chức năng thành thạo. Cần duy trì chăm sóc, phục hồi chức năng cho bệnh nhân bao gồm các vấn đề:
- Duy trì phòng chống loét do đè ép.
- Đề phòng nhiễm trùng tiết niệu và phục hồi chức năng bàng quang.
- Chăm sóc đường tiêu hóa.
- Phòng ngừa, cứng khớp, co rút cơ.
- Vận động và tập các bài tập để tăng cường tuần hoàn, tiến tới tập mạnh chi và có thể tự di chuyển với các dụng cụ trợ giúp: Nạng, nẹp…

BS Nguyễn Thị Hà (D) - Khoa Y, Trường Y Dược, Đại học Duy Tân